Xu hướng chính sách đối với kinh tế nền tảng
Thứ Tư /  08/08/2018
Ngày 1/8 tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ OSB đã tham gia chia sẻ về các mô hình kinh tế nền tảng của Alibaba.com và AliExpress trong chương trình “Xu hướng chính sách đổi với kinh tế nền tảng” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức.


Tọa đàm “Xu hướng chính sách đổi với kinh tế nền tảng”

Ngày 1/8 tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ OSB đã tham gia chia sẻ về các mô hình kinh tế nền tảng của Alibaba.com và AliExpress trong chương trình “Xu hướng chính sách đổi với kinh tế nền tảng” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức. Sự kiện thu hút mối quan tâm tham gia của đông đảo chuyên gia kinh tế, pháp luật; các nhà quản lý; đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp. 

Nhiều ý kiến của các diễn giả tại tọa đàm đều cho rằng, đã tới lúc cần có quan điểm nhất quan và rõ ràng về mô hình kinh tế nền tảng. Đồng thời, cần có một tầm nhìn bao quát cũng như có cơ chế phối hợp liên ngành tốt hơn khi soạn thảo chính sách liên quan tới kinh tế nền tảng. Việc ban hành các chính sách rời rạc theo từng ngành, thậm chí là thiếu nhất quán sẽ làm ảnh hưởng tới mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số. 

Ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký VECOM nhận định, mô hình kinh tế nền tảng đã phát triển mạnh mẽ trên thế giới và tại Việt Nam. Lĩnh vực này hiện đang nhận được sự ủng hộ và đánh giá tích cực của nhiều bên liên quan nhờ vào những lợi ích mà các nền tảng mang lại như: tăng năng suất, giảm chi phí, tạo ra các thị trường mới, cũng như gia tăng sự linh hoạt của thị trường lao động. 

Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, mô hình kinh tế nền tảng đã dần bộc lộ một số khiếm khuyết cần đến sự can thiệp của Nhà nước để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người lao động, chống thất thu thuế với các nền tảng hoạt động xuyên biên giới. Trong bối cảnh đó, dường như chưa có một sự tiếp cận chính sách và ứng xử nhất quán, cũng như đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc xây dựng các quy định đối với các mô hình kinh tế mới này. 

Thừa nhận tính ưu việt của các nền tảng, chẳng hạn như: tạo điều kiện cho các giao dịch diễn ra nhanh chóng, tận dụng tối ưu nguồn tài nguyên sẵn có, thúc đẩy cạnh tranh và tăng chất lượng dịch vụ, PGS. TS. Ngô Trí Long cho rằng đây là xu thế không thể đảo ngược và nhất định cần được khuyến khích phát triển. 

Mặt khác, ông cũng chỉ ra những vấn đề nội tại trong hoạt động của mô hình kinh tế nền tảng cũng như sự phản ứng từ các ngành nghề kinh doanh truyền thống. Thông qua phân tích xu hướng chính sách đối với nền tảng trong lĩnh vực du lịch và vận tải, PGS. TS. Long cho rằng, cần phải hiểu rõ tính mới của mô hình kinh doanh nền tảng, để tránh khiên cưỡng áp quy định cũ vào mô hình mới. 

Theo PGS.TS. Long, trong xu hướng hiện nay, một nền tảng sẽ cung cấp kết nối cho nhiều ngành, thay vì chỉ trong lĩnh vực vận tải hay giao nhận hàng, thực phẩm, dược phẩm... Nếu tất cả các ngành đều coi một nền tảng thuộc về lĩnh vực của mình thì khi xuất hiện một nền tảng mới sẽ lại phải mất tới 2 – 3 năm nữa để tranh cãi và loay hoay tìm câu trả lời. 

Đồng tình với PGS. TS. Ngô Trí Long và các diễn giả về sự cần thiết phải có một cách tiếp cận thống nhất và cởi mở đối với mô hình kinh tế nền tảng, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, đại diện Viện Nhà nước và Pháp luật nêu thêm một số vấn đề cốt lõi về chính sách và pháp luật đối với các nền tảng. Theo ông Dương, ứng xử của các quốc gia đối với các dịch vụ mới trên Internet còn khác biệt, thậm chí trái ngược nhau, do việc tiếp cận dịch vụ mới trong khuôn khổ WTO còn mơ hồ, chưa hoàn thiện, và phụ thuộc nhiều vào các cuộc đàm phán thương mại cũng như bối cảnh tại từng quốc gia. 

Tuy nhiên, ông Dương nhấn mạnh: “Chắc chắn một điều được thừa nhận rộng rãi rằng, các doanh nghiệp không nhất thiết phải thực hiện tất cả các công đoạn của một chuỗi cung ứng dịch vụ, mà có thể lựa chọn một hoặc một số các công đoạn để đầu tư. Đây cũng chính là lý do để kinh tế nền tảng có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm qua trên phạm vi toàn cầu”. 

Ông Dương cũng lưu ý, trong quá trình quản lý các nền tảng, cần chú trọng xem xét các điều kiện giao dịch chung, đặc biệt trong việc phân định trách nhiệm các bên để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và bảo vệ các đối tác yếu thế trong giao dịch./. 

VP Hà Nội

  • Hotline: 090.337.69.96

VP HCM

  • Hotline: 0937.186.996