Hàng Việt xuất khẩu đối mặt với rào cản phòng vệ thương mại
Thứ Năm /  20/12/2018
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, nhiều quốc gia có xu hướng đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp bảo hộ, đặc biệt thông qua công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước.


Vừa qua Bộ Công thương đã tổ chức Hội thảo Xu hướng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại hiện nay trên thế giới: Những điều doanh nghiệp cần biết.

Theo thống kê của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), số lượng các vụ kiện phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng. Trong khi năm 2017 chỉ có 13 vụ kiện về phòng vệ thương mại, thì đến tháng 10/2018 tăng thêm 16 vụ việc. Đặc biệt, năm 2017, có tới 80% sản phẩm thép do Việt Nam sản xuất bị kiện phòng vệ thương mại. Bên cạnh đó, nhiều hàng xuất khẩu của Việt Nam bị điều tra phòng vệ thương mại như thủy sản (1%), săm lốp (2%), giày dép (6%), sợi (9%)…

Phát biểu tại hội thảo, ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết thêm, theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trong khoảng thời gian từ tháng 10/2017 đến tháng 5/2018, các thành viên WTO đã khởi xướng điều tra thêm 173 biện pháp phòng vệ thương mại, bao gồm 173 biện pháp chống bán phá giá, 28 biện pháp chống trợ cấp và 8 biện pháp tự vệ.

"Hiện công cụ phòng vệ thương mại mà WTO và các FTA cho phép áp dụng gồm 3 biện pháp là chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Việc bị khởi kiện đã gây ra những tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu, làm giảm xuất khẩu và ảnh hưởng đến nền sản xuất kinh doanh trong nước..." - ông Trung đánh giá.

Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Hằng Nga - Phó trưởng Phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài (Cục Phòng vệ thương mại), hiện nay bất cứ hàng hóa xuất khẩu nào cũng có khả năng là đối tượng bị điều tra áp dụng phòng vệ thương mại, nhất là các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của nước ta như thủy sản, sắt, thép...

Trong bối cảnh đó, thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng khuôn khổ pháp lý khá hoàn chỉnh để thực thi pháp luật về phòng vệ thương mại phù hợp với các quy định của WTO. "Song đa số doanh nghiệp (DN) vẫn chưa nắm được hết các quy định này và sử dụng chúng một cách phù hợp để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình" - ông Thắng chia sẻ.

Do đó, để có thể đối phó với tình hình đó, DN phải chủ động trang bị kiến thức về phòng vệ thương mại. Đồng thời, DN cần đầu tư nghiêm túc và có chiến lược sản xuất kinh doanh và xuất khẩu hợp lý, luôn đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu. 

Thêm vào đó, các chuyên gia của Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản (METI) cũng khuyến cáo, DN Việt cần trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại, nhất là các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại của các thị trường đang và sẽ xuất khẩu.

VP Hà Nội

  • Hotline: 090.337.69.96

VP HCM

  • Hotline: 0937.186.996