Hội thảo: Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm - Giải pháp tăng trưởng xuất khẩu bền vững
Thứ Tư /  08/08/2018
Ngày 8/8/2018 tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo “Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm - Giải pháp tăng trưởng xuất khẩu bền vững"

Xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào khối FDI

Theo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2017 kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng vượt bậc, chạm ngưỡng 215 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016. Trong 7 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 15,3% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn mục tiêu đề ra từ đầu năm ở mức trên 10%.

Tuy nhiên, phân tích rõ hơn, dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng trưởng cao nhưng đóng góp chủ yếu vẫn từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong khi sự tham gia của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước còn mờ nhạt và hạn chế.


Các diễn giả tại phiên thảo luận của Hội thảo

Nguyên nhân ở đây theo bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, hầu hết công đoạn giá trị gia tăng cao như đổi mới sáng tạo, thiết kế, sản xuất phụ tùng, cấu kiện lõi… đều nằm ngoài Việt Nam và những dịch vụ quan trọng thường do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp.

Tạo liên kết chuỗi hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), để hướng tới xuất khẩu bền vững, trong thời gian tới cần xây dựng các chuỗi sản phẩm nhằm góp phần gia tăng giá trị cho hàng hóa xuất khẩu. Để làm được điều này, mấu chốt quan trọng là phải nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm xuất khẩu.

Ông Trần Đình Toản - Chủ tịch Liên minh Hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam cho biết: "Xuất khẩu Việt Nam phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp FDI. DNVN gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các giải pháp hỗ trợ xuất khẩu hiệu quả. Bên cạnh đó các dịch vụ hỗ trợ vẫn hoạt động độc lập, chưa có một chuỗi dịch vụ xuyên suốt. Để nâng cao được năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp cần tìm hiểu, cập nhật các thông tin, chính sách hỗ trợ xuất khẩu cho doanh nghiệp; nâng cao nhận thức, trong việc tìm hiểu thông tin và khai thác lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do; đặc biệt từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh cho chính sản phẩm của doanh nghiệp”.


Ông Trần Đình Toản - Chủ tịch Liên minh Hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của đề án là đến năm 2020, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng các mặt hàng đang có lợi thế xuất khẩu; giá trị gia tăng của các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực tăng bình quân 20% so với hiện nay.

Giải pháp chủ yếu, xuyên suốt đề án là tổ chức lại sản xuất thông qua chuyển đổi phương thức sản xuất và xuất khẩu. Đơn cử, đối với nông sản, chuyển từ sản xuất nhỏ phân tán sang sản xuất tập trung quy mô lớn, quản lý chất lượng từ nuôi trồng đến vận chuyển, chế biến, bảo quản, tiêu thụ; đối với sản phẩm công nghiệp, chuyển từ gia công thuần túy sang các phương thức sản xuất có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị hàng hóa.

OSB biên tập


Sự kiện

VP Hà Nội

  • Hotline: 090.337.69.96

VP HCM

  • Hotline: 0937.186.996