Tiềm lực quá dồi dào, Alibaba và Tencent đang "bóp nghẹt" các startup Trung Quốc?
Thứ Bảy /  06/10/2018
Ngày càng có nhiều công ty cảnh báo rằng thương vụ với các ông lớn có thể là một cái bẫy. Họ phải trả giá khi nhận được sự hậu thuẫn từ những gã khổng lồ này.

Tiềm lực quá dồi dào, Alibaba và Tencent đang "bóp nghẹt" các startup Trung Quốc?

Tính đến thời điểm này, ngày càng có nhiều công ty công nghệ lớn của Trung Quốc chào sàn tại Mỹ, đều là nhờ vào khoản đầu tư rất lớn của Alibaba cũng như Tencent. Thế nhưng, khi xem xét hồ sơ IPO của các công ty Trung Quốc, có thể thấy rằng các công ty startup hưởng lợi từ những khách hàng và nguồn tiền mà Alibaba và Tencent cung cấp, thì những thương vụ đó lại như một cái bẫy. Những công ty này cho Alibaba và Tencent quyền biểu quyết và phủ quyết ngang hàng với vị trí trong hội đồng quản trị, dẫn đến những xung đột lợi ích về việc thuê, sáp nhập và mua lại, cùng những quyết định mang tính chiến lược khác. Đồng thời khiến cho các công ty startup phải dựa dẫm nhiều hơn vào những công ty lớn.

Có đến gần 20 công ty đã "đánh dấu" Tencent hoặc Alibaba chính là yếu tố rủi ro đối với những đợt IPO của họ trong vòng 2 năm qua. Trong số đó có Meituan Dianping, gã khổng lồ dịch vụ giao thực phẩm, đã huy động được 6 tỷ USD vốn trong đợt IPO tại Hồng Kông và Pinduoduo, một trang web mua sắm trực tuyến, cảnh báo: "Thất bại trong việc duy trì mối quan hệ với Tencent có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh của chúng tôi."

Quyền lực của Alibaba, Tencent và Baidu đã trở nên bành trướng và là điều chưa từng thấy, khi họ đưa ra quyết định công ty nào sẽ thành công hoặc thất bại. Và trái lại, sự bành trướng đó không chỉ thể hiện mức độ ảnh hưởng thực sự của họ.

Alibaba cho biết những khoản đầu tư và quan hệ đối tác của họ được thiết lập để giúp những công ty khác phát triển song song với các dịch vụ riêng của họ. Tencent không đưa ra phản hồi về việc này.

Đương nhiên, những gã khổng lồ công nghệ ở Mỹ cũng bị chỉ trích vì các hoạt động mang tính độc quyền. Sự khác biệt ở đây là, Amazon, Apple và Facebook có xu hướng mua lại và sáp nhập những công ty đó hơn là việc "chống lưng" trên con đường đi tới IPO, vì thế những xung đột như ở Trung Quốc là điều dường như không thể.

Tuy vậy, cũng có trường hợp ngoại lệ. Vào năm ngoái, Microsoft và Facebook là những nhà đầu tư đầu tiên vào công ty thương mại điện tử của Ấn Độ - Flipkart (hiện thuộc quyền sở hữu của Walmart). Quỹ GV của Alphabet cũng đã đầu tư vào khá nhiều những đợt pre-IPO của các công ty startup với hơn 1 tỷ USD cho mỗi đợt, trong đó có Uber Techonologies và Stripe Inc. Nhưng trong khi GV đầu tư vào 300 công ty thì, con số của Tencent lại lên đến 600.

Tencent và Alibaba đã tài trợ cho 45% trong số 77 công ty tại Trung Quốc. Hai gã khổng lồ, hiện đang nắm giữ 60 tỷ USD tiền mặt, đã sử dụng nguồn tiền này với mục đích đổi mới và đưa Trung Quốc lên vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, các nhà đầu tư lại cho rằng việc nhận được sự hậu thuẫn từ những công ty này lại báo hiệu các nhà đầu tư nên thật sự cẩn thận. Xu Chenggang, giáo sư kinh tế học tại Cheung Kong Graduate School of Business cho hay: "Với số tiền đầu tư lớn như vậy, rất khó để chắc chắn rằng họ thận trọng như thế nào với những thương vụ này."

Pinduoduo (PDD) chắc chắn sẽ chẳng thể tồn tại nếu không có We Chat của Tencent. Nền tảng này giúp PDD có được 344 triệu người sử dụng, họ được giảm giá khi giới thiệu đến bạn bè các ứng dụng khác khi sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên đợt IPO hồi tháng 6 vừa rồi của PDD là hồi chuông cảnh báo cho các nhà đầu tư rằng, hoạt động kinh doanh của họ sẽ bị ảnh hưởng rất lớn nếu không duy trì mối quan hệ đối tác với Tencent, hiện đang nắm giữ 17% cổ phần của PDD.

Khi những người đứng đầu của các công ty này bất đồng với những ông lớn đang hậu thuẫn, thì họ thường có xu hướng thoả hiệp. Tencent hiện là cổ đông lớn nhất của Meituan Dianping (nắm giữ 20% cổ phần, nhà sáng lập Wang Xing nắm giữ 11%) và họ sử dụng các ứng dụng tin nhắn của Tencent để thu hút khách hàng cho các dịch vụ đặt chỗ tại nhà hàng, giao thực phẩm của mình.

Trong hồ sơ IPO, công ty này cho biết Tencent đã giúp họ phát triển không ngừng, nhưng cũng cảnh báo các nhà đầu tư về việc "các lựa chọn bị hạn chế" đối với các nhà cung cấp dịch vụ đám mây và thanh toán tại Trung Quốc. Meituan còn nói thêm, nếu họ không duy trì mối quan hệ đối tác với Trung Quốc thì các hoạt động kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Khi Sogou - công cụ tìm kiếm lớn thứ hai của Trung Quốc chính thức cổ phần hoá vào năm ngoái, Uỷ ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ đã yêu cầu họ tiết lộ thêm thông tin về mối quan hệ với Tencent. Sau đó, Sogou đưa ra lời cảnh báo với các nhà đầu tư về việc họ hoàn toàn có thể mất đi lợi thế kinh doanh nếu không còn là công cụ tìm kiếm mặc định trên We Chat và những nền tảng khác của Tencent.

Công ty còn cho biết, Tencent có thể lựa chọn một nhà cung cấp dịch vụ khác hoặc tự tạo ra công cụ tìm kiếm của riêng mình. Tencent nắm giữ 52% quyền biểu quyết tại Sogou và có thể chấm dứt thoả thuận độc quyền vào tháng 9 năm nay.

Ngoài ra, China Literature, nền tảng đọc sách lớn nhất Trung Quốc cũng có lời cảnh báo tương tự tại đợt IPO hồi tháng 11 năm ngoái, rằng họ nắm giữ nhiều hơn 53% cổ phần có nghĩa là "những quyết định của Tencent liên quan đến chúng tôi hoặc hoạt động kinh doanh có thể giải quyết theo cách ủng hộ Tencent" và điều đó "có thể không mang lại lợi ích cho chúng tôi và các cổ đông khác." Mới đây, vào ngày 14 tháng 8, cổ phiếu của China Literature đã giảm đến 17%, mức giảm cao nhất kể từ IPO, sau khi công ty này đạt được thoả thuận mua lại New Classics Media Corp., một công ty con của Tencent với 2,3 tỷ USD.

Tencent "nhanh chân" hơn Alibaba trong việc rót vốn vào những công ty trên con đường đến IPO. Điều đó có thể là do chiến lược phát triển của họ phụ thuộc vào 1 tỷ tài khoản We Chat. Gã khổng lồ công nghệ phải thu hút sự chú ý của khách hàng bằng dịch vụ của những công ty khác, ví dụ như PDD hay Meituan, để lấy phí quảng cáo hoặc các loại phí khác. Họ cũng mua lại một số công ty thuộc lĩnh vực liên quan đến những hoạt động kinh doanh cốt lõi, đặc biệt là công ty phát triển trò chơi Supercell Oy. Tuy nhiên, họ thường không muốn chạy cùng một lúc tất cả các ứng dụng và dịch vụ phụ trợ này, bởi họ chỉ muốn giảm bớt các loại chi phí.

Ngược lại, các doanh nghiệp thương mại điện tử của Alibaba lại kiếm tiền dựa vào lượng truy cập để phát triển. Đó lại một phần lý do tại sao công ty này lại thường mua và sáp nhập các công ty startup như Ele.me, một dịch vụ giao thực phẩm. Tuy nhiên, khi nhìn lại bản báo cáo bạch của đợt IPO của nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát bưu kiện ZTO Express Cayman, có thể thấy rằng sự hậu thuẫn của Alibaba là rất lớn. Vào năm đó, ZTO đã cảnh báo các nhà đầu tư rằng 75% số lượng bưu kiện đều đến từ Alibaba. Họ cho biết, nhiều đối tác của Alibaba "có thể sẽ tăng chi phí kinh doanh của chúng tôi, làm giảm tương tác của chúng tôi với khách hàng hoặc thậm chí có thể gây rối loạn mô hình kinh doanh hiện tại."

Tất cả đều là lời cảnh báo về sự bành trướng quyền lực của các ông lớn Trung Quốc, và điều này lại không thể tránh khỏi, Vey-Sern Ling - nhà phân tích của Bloomberg Intelligence, cho biết.


VP Hà Nội

  • Hotline: 090.337.69.96

VP HCM

  • Hotline: 0937.186.996